Cô gái vỡ dạ dày vì thói quen nhiều người hay mắc phải

Ngân Hà
Cô gái 26 tuổi lái xe với nồng độ cồn trong máu cao, đâm vào thành cầu lúc rạng sáng. Nhập viện trong tình trạng chấn thương bụng kín dẫn đến vỡ dạ dày...

Trao đổi với báo Vietnamnet, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thế Hưng, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (Tp.HCM) cho biết, khoảng 2h sáng 7/10, một cô gái trẻ được người dân đưa đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Cụ thể, bệnh nhân 26 tuổi, xét nghiệm ghi nhận nồng độ cồn trong máu rất cao, khi đến viện đã say khướt. Người dân cho biết, ngay trước đó, cô gái trẻ chạy xe máy tốc độ cao và tự ngã, va vào thành cầu Ba Son, bất tỉnh.

Tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, ê-kíp trực cấp cứu xác định bệnh nhân bị đa chấn thương vùng đầu mặt, gãy xương cánh tay, theo dõi chấn thương bụng kín. Ít tiếng sau, mạch và huyết áp tụt, kết quả chụp CT phát hiện cô gái bị chấn thương bụng kín, vỡ tạng rất nghiêm trọng, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng nếu không phẫu thuật khẩn cấp.

Nhận định bệnh nhân rất nguy kịch, ê kíp trực trong đêm tại bệnh viện đã báo động đỏ nội viện, ngoại viện với Bệnh viện Nhân dân 115 để cử ê-kíp bác sĩ ngoại tổng quát đến hỗ trợ mổ cứu bệnh nhân. Theo đó, Bệnh viện Nhân dân 115 cử 3 bác sĩ sang hỗ trợ phẫu thuật khẩn.

Tiến hành phẫu thuật khoảng 5h sáng, ê-kíp mở bụng bệnh nhân ghi nhận trên 1 lít máu tươi, vỡ lách độ 5, vỡ nát đuôi tụy và vỡ dạ dày, thức ăn trào đầy ổ bụng.

Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành rửa sạch dạ dày, lấy bã thức ăn ra ngoài, cắt lách, cắt đuôi tụy, khâu lại dạ dày, dẫn lưu ổ bụng, truyền máu. Sau đó, người bệnh được chuyển vào phòng hồi sức để theo dõi, chăm sóc tích cực.

Đời sống - Cô gái vỡ dạ dày vì thói quen nhiều người hay mắc phải

Hình ảnh lá lách và tụy bị vỡ đã được cắt ra. Ảnh: BVCC.

Sau hậu phẫu ngày thứ 2, bệnh nhân tỉnh táo, đã được rút ống nội khí quản, dẫn lưu ổ bụng không thấy dịch, khả năng diễn tiến tốt. Những ngày tới bệnh nhân tiếp tục được theo dõi chấn thương vùng đầu.

Bác sĩ Hưng cho hay tai nạn vỡ tạng thường gặp nhất là vỡ lách, vỡ gan, sau đó mới đến vỡ tạng rỗng; vỡ dạ dày rất hiếm. Cô gái bị vỡ 3 tạng: lách, tụy, dạ dày. Bác sĩ đánh giá bệnh nhân phải bị tác động một lực rất mạnh mới gây ra tổn thương nghiêm trọng như trên.

"Ê-kíp của chúng tôi và các đồng nghiệp từ Bệnh viện Nhân dân 115 phối hợp thực hiện phẫu thuật trong khoảng 2,5 giờ, nỗ lực cứu sống cô gái. Tất cả các giai đoạn cấp cứu báo động đỏ, hồi sức trước mổ, phẫu thuật và hậu phẫu đều rất quan trọng để có kết quả như hiện nay", bác sĩ Hưng chia sẻ.

Vì sao uống rượu, bia lái xe lại nguy hiểm?

- Tăng phấn khích: Sau khi uống rượu bia lái xe, tâm trạng con người có xu hướng chung là phấn khích, thăng hoa trong cảm xúc đi kèm sự dũng cảm tùy vào lượng cồn có trong cơ thể. Lúc này tài xế thường có xu hướng đi nhanh hơn, tự tin hơn, thậm chí có cả ảo giác mình như một tay đua thực thụ hay quái xế trên những bộ phim bom tấn. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn thảm khốc đằng sau những bữa tiệc vui vẻ.

- Dễ gây mất tập trung: Khi đã uống rượu bia say, lúc này tâm trí thường hoạt động không đúng cách mà chạy theo cảm xúc, lái xe khó kiểm soát tốc độ hay đi đúng làn được, tuân thủ luật lệ giao thông. Tùy mức độ “say” khả năng tập trung của tài xế bị ảnh hưởng nhất định, họ khó có thể tập trung vào nhiều chi tiết, tình huống trên đường khiến khả năng xử lý tình huống bị hạn chế, mất đi khả năng phán đoán tình huống vốn rất quan trọng mỗi khi lái xe.

- Ảnh hưởng bởi khả năng quan sát: Khi bị say rượu bia mà lái xe, lúc này tài xế thường có cảm giác mọi thứ đều mờ ảo thậm chí không thể điều khiển mắt tập trung vào một điểm dẫn tới ảo giác, đưa tín hiệu sai lệch về bộ não. Biểu hiện rõ nhất là bạn không thể đi thẳng, duy trì đúng làn đường dẫn đến thường xuyên phải lấy lại lái hay phanh gấp, theo báo Thanh Niên.

Trúc Chi (t/h)