Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ: Gieo hạt giống của tình yêu thương

Ngân Hà
Bà Triệu Hân Linh sống tại thành phố Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc, chia sẻ rằng bà kiên trì dạy cậu con trai Hạo Hạo của mình phát âm từ "mẹ" mỗi ngày. Nhưng cho tới nay, khi Hạo Hạo đã 24 tuổi, bà vẫn chưa thành công. 

Giống như nhiều bậc cha mẹ có con mắc chứng tự kỷ, bà Triệu Hân Linh (64 tuổi) phải đối mặt với nhiều thử thách và luôn nỗ lực hết sức để nuôi dạy con trai mình - một cậu bé mắc chứng tự kỷ nặng từ khi còn rất nhỏ.

Bà Triệu Hân Linh là người sáng lập, đồng thời là Hiệu trưởng Trung tâm giáo dục và phục hồi đặc biệt Ngôi nhà yêu thương cho trẻ em ở Quý Dương. Đây là cơ sở đào tạo phục hồi chức năng cho người tự kỷ đầu tiên trong tỉnh và bà Triệu Hân Linh cũng đảm nhiệm vai trò giáo viên ở đó.

Trong những năm qua, bà đã dạy dỗ hơn 7.000 trẻ mắc chứng tự kỷ. Bà cũng chứng kiến cộng đồng người tự kỷ dần dần nhận được sự yêu thương từ xã hội ra sao - từ chỗ không được công nhận, đến nay đã được thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ.

Tự kỷ là một chứng rối loạn phát triển thần kinh đặc trưng bởi sự suy giảm về kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội ở các mức độ khác nhau. Báo cáo về giáo dục tự kỷ cho thấy trong năm 2019, Trung Quốc có hơn 10 triệu người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, trong đó có khoảng 2 triệu trẻ em dưới 12 tuổi.

Hạo Hạo sinh năm 2000. Em đã đột ngột mất khả năng ngôn ngữ khi mới 22 tháng tuổi. Ở thời điểm đó, chứng tự kỷ chưa được nhận thức rõ tại Quý Châu và bà Triệu Hân Linh đã phải tới nhiều tỉnh, thành khác tại Trung Quốc để tìm kiếm sự giúp đỡ con trai mình.

Hai năm sau đó, các bác sĩ chẩn đoán Hạo Hạo mắc chứng tự kỷ. Bà Triệu Hân Linh chia sẻ: “Tôi rất bối rối và không biết làm cách nào để hỗ trợ con trai mình, cũng như cách giáo dục và phục hồi chức năng cho con”.

Để hiểu rõ hơn về chứng tự kỷ và tìm hiểu về phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, bà đã tới các cơ sở phục hồi chức năng, bệnh viện và trường học ở các thành phố như Bắc Kinh và Quảng Châu. Bà chia sẻ: “Trong thời gian đó, tôi đã gặp các phụ huynh có con là trẻ tự kỷ trên khắp đất nước và nhận ra rằng nhiều gia đình đang phải chịu áp lực rất lớn”.

Trong quá trình tìm cách chữa trị cho con trai, bà Triệu Hân Linh đã gặp bà Quản Phúc Cần - một bác sĩ tại Bệnh viện Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em Quý Dương. Bà Quản Phúc Cần, hiện đã 90 tuổi, là một trong những người đầu tiên ở Quý Châu cung cấp dịch vụ chẩn đoán chứng tự kỷ cho trẻ em.

Từ lời khuyên của bà Quản Phúc Cần, bà Triệu Hân Linh đã thành lập một cơ sở tại Quý Châu, để trẻ tự kỷ có thể học tập tại địa phương và các bậc phụ huynh có thể giúp đỡ lẫn nhau trong việc nuôi dạy con. Bà Quản Phúc Cần cũng làm việc như một tình nguyện viên và đóng góp công tác chuyên môn tại cơ sở này như các dịch vụ chẩn đoán và điều trị tự nguyện cho trẻ, cũng như đào tạo kỹ năng cho giáo viên và phụ huynh.

Năm 2003, Trung tâm giáo dục và phục hồi đặc biệt Ngôi nhà yêu thương cho trẻ em được ra đời, trở thành cơ sở đào tạo và phục hồi chức năng đầu tiên ở Quý Châu phục vụ trẻ tự kỷ và các rối loạn phát triển khác. Năm 2016, trung tâm bắt đầu cung cấp dịch vụ cho cả những người trưởng thành mắc chứng tự kỷ.

Bà Triệu Hân Linh nhấn mạnh: "Trẻ tự kỷ càng sớm được đào tạo phục hồi chức năng chuyên nghiệp thì càng hòa nhập xã hội tốt hơn trong tương lai". Theo bà Triệu Hân Linh, trẻ em từ 0-6 tuổi khi theo học trung tâm sẽ được hưởng trợ cấp của chính phủ.

Các phụ huynh có con theo học phục hồi chức năng tại trung tâm cũng công nhận rằng các em "nói nhiều hơn, vui vẻ hơn và có thể tự chăm sóc bản thân ở một mức độ nhất định", trong khi trợ cấp của chính phủ đã "giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình và là động lực thúc đẩy sự kiên trì của phụ huynh".

Bà Triệu Hân Linh cho biết: "Tôi muốn gieo hạt giống vào trái tim các em - cuộc sống rất đa dạng và mọi cá nhân đều xứng đáng được tôn trọng. Trước đây, chúng tôi muốn trẻ tự kỷ hoàn thiện bản thân và hòa nhập với lối sống của những người có bệnh thần kinh. Tuy nhiên, thông qua giáo dục hòa nhập, trẻ có bệnh lý thần kinh có thể học cách hiểu, chấp nhận và chăm sóc trẻ tự kỷ. Những nỗ lực hai chiều này có thể giúp cuộc sống của trẻ tự kỷ dễ dàng hơn và gia đình của các em hạnh phúc hơn".

Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 300 người mắc chứng tự kỷ được phục vụ tại Trung tâm giáo dục và phục hồi đặc biệt Ngôi nhà yêu thương cho trẻ em. Trung tâm đã thực hiện nhiều hoạt động giáo dục kết hợp với hơn 20 trường mẫu giáo, tiểu học và trung học ở Quý Dương thời gian qua và hơn 2.000 trẻ tự kỷ đã được ghi danh vào các trường học bình thường.

Bà Triệu Hân Linh cho rằng: “Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức phía trước cần phải giải quyết, nhưng tôi tin tưởng vào tương lai. Bản thân các bậc phụ huynh có con là trẻ tự kỷ cũng cần quan tâm con hơn, dành nhiều thời gian cho con để con không bị cô đơn và không sống khép mình. Chúng ta cần nhìn nhận chứng tự kỷ một cách tích cực, chấp nhận những người tự kỷ và hòa đồng với những sự khác biệt trong cuộc sống của người tự kỷ".

Thanh Phương