Kiểm tra nồng độ cồn - đừng để người dân "tụt mood"

Ngân Hà
Không thể vì coi nồng độ cồn trong cơ thể là hiểm họa hàng đầu mà kiểm tra với tần suất và thời gian phi khoa học...

Phòng CSGT Công an TP HCM thông tin từ việc sơ kết kế hoạch ra quân kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện toàn thành phố cả ngày lẫn đêm cho thấy người dân cơ bản chấp hành quy định "đã uống rượu bia thì không lái xe".

Do vậy, đơn vị này sẽ có sự thay đổi hình thức tuần tra kiểm soát theo từng giai đoạn để bố trí các tổ công tác cho phù hợp với thời gian, địa điểm ở từng tuyến đường.

TÔI LÊN TIẾNG: Kiểm tra nồng độ cồn - đừng để người dân "tụt mood"- Ảnh 1.

CSGT TP HCM sẽ có sự thay đổi hình thức tuần tra kiểm soát

Nghĩa là thay vì sáng, trưa, chiều, tối hay đêm, bất kỳ người điều khiển phương tiện nào cũng có thể bị dừng xe để thổi vào ống đo thì nay thời gian kiểm tra sẽ được điều chỉnh lại theo hướng chọn lọc hơn.

Điều này là hợp lý bởi xác suất nhậu, tiệc tùng mỗi buổi sáng trước lúc đi làm trong nhân dân là không nhiều, cũng không mấy ai "bợm" tới mức phải có hơi men thường trực trong cơ thể.

Trong khi đó, mỗi lần dừng xe kiểm tra sẽ tốn không ít thời gian của cả hai phía, chưa nói có thể gây phiền toái về tình hình giao thông khu vực lập chốt bởi dòng phương tiện chảy qua ít nhiều phải điều chỉnh tốc độ để không thình lình nhận tín hiệu hoặc tiếng còi yêu cầu rẽ vào.

Điều này cũng hợp tình bởi đa số người dân tham gia giao thông là để lao động, cống hiến cho thành phố. Năng lượng tràn trề vào buổi sáng và phần lớn thời gian trong ngày ấy nên được bảo toàn, dung dưỡng nhằm đảm bảo hiệu quả làm việc cao nhất. Năng lượng ấy không nên bị ảnh hưởng bởi những lý do chỉ có thể diễn ra vào những tối cuối tuần bên bạn bè, đồng nghiệp.

Phải thừa nhận rằng bên cạnh tâm trạng nôn nóng khi ra đường, lưu thông mà kỹ năng lái không thành thạo, sử dụng ma túy khi lái xe… thì rượu, bia cũng là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, không thể vì coi nồng độ cồn trong cơ thể là hiểm họa hàng đầu mà kiểm tra với tần suất và thời gian phi khoa học.

Việc dàn trải nhân lực, căng mình kiểm soát 24/24 giờ vừa gây mệt mỏi, căng thẳng cho lực lượng chức năng, vừa khiến tính hiệu quả của kiểm soát giao thông, bầu không khí xã hội ít nhiều bị ảnh hưởng. Nói như Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, rằng phải kiểm tra lại cách làm xem có phù hợp không, có ổn không để điều chỉnh cho phù hợp với nguyện vọng của người dân!

Vì thế, việc bố trí các tổ công tác cho phù hợp với thời gian, địa điểm ở từng tuyến đường là đúng.

Và còn đúng hơn, được ủng hộ nhiều hơn nữa nếu báo cáo về sự vươn lên mạnh mẽ của kinh tế thành phố ghi nhận sự đóng góp, lao động sáng tạo, hiệu quả của những người dân ra đường, đi làm trong tâm trạng thoải mái, hành trình suôn sẻ, không bị ức chế…

Từ ngày 24-11 đến 2-12, CSGT TP HCM đã tổng kiểm soát 51.358 người điều khiển phương tiện giao thông (gồm 18.041 ô tô, 33.317 xe máy).

Qua đó phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm đối với 1.484 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (gồm 51 ô tô, 1.435 xe máy).

Trong đó, có 2 trường hợp dương tính với ma túy là người lái ô tô; 6 trường hợp dương tính với ma túy là người lái xe máy. Đặc biệt 1 trường hợp người lái xe máy vừa vi phạm nồng độ cồn, vừa dương tính với ma túy.

Bạn đọc viết