Nguyên nhân nhiều ngôi sao không có chỗ dưới thời Troussier

Lê Văn Đảm
Muốn trẻ hóa và theo đuổi lối chơi kiểm soát ở tuyển Việt Nam, ông Troussier phải tìm được thứ nguyên liệu tương tự từ giải quốc nội.

Trẻ hóa và chủ động là hai đặc điểm quan trọng trong triết lý xây dựng tuyển Việt Nam dưới thời HLV Philippe Troussier. Đội tuyển đã phần nào mang tới những tín hiệu tích cực nhờ triết lý ấy ở một số trận tại vòng loại World Cup và Asian Cup 2023.

Nhưng nếu ông Troussier muốn phát triển tiếp tuyển Việt Nam theo hướng này, ông cần thêm nguyên liệu từ V.League, giải đấu cũng phải vận hành theo hướng phù hợp hơn cho tuyển Việt Nam.

Đó lại là thứ V.League chưa làm được.

tuyen viet nam anh 1

Ứng viên Quả bóng vàng tương lai Phạm Tuấn Hải cũng chỉ được lên V.League năm 22 tuổi và về CLB Hà Nội năm 24 tuổi. Ảnh: Minh Chiến.

Trẻ hóa V.League dễ hay khó?

Sau sự xuất hiện đồng loạt của lứa 1995-1997, V.League không còn chứng kiến làn sóng tương tự từ các lứa trẻ sau này. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như chất lượng đào tạo, thành tích của các đội trẻ nhưng một yếu tố rất quan trọng ít được nói tới là việc không còn chỗ cho những cầu thủ mới tại các CLB.

Lấy Hà Nội hay HAGL vốn nổi danh đào tạo trẻ làm ví dụ, việc lứa cầu thủ 1995-1997 lên đội một, khẳng định được mình và trụ lại lâu dài ở đỉnh cao đã trực tiếp hạn chế cơ hội của lứa đàn em. Ở cả hai CLB này, có rất nhiều ví dụ về những sao trẻ không thiếu năng lực nhưng thường mất nhiều thời gian để khẳng định vị trí tại V.League.

Nguyễn Quốc Việt, Lê Minh Bình (HAGL), Vũ Tiến Long hay chính ứng viên Quả bóng vàng sắp tới Phạm Tuấn Hải đều là các ví dụ. Họ đều đã phải ngụp lặn tại các CLB nhỏ hoặc giải Hạng Nhất, đều mất nhiều thời gian hơn hẳn so với những lứa đàn anh để tìm thấy ánh sáng ở V.League.

Bởi thế, khi ông Troussier gọi một loạt tài năng Hạng Nhất lên U23 hay tuyển Việt Nam, ta phải đặt câu hỏi rằng HLV người pháp đang quá rộng rãi với học trò hay V.League đã quá khắc nghiệt với họ?

Muốn cầu thủ trẻ được thi đấu, nhiều giải pháp đã được bàn tới nhưng chưa đề xuất nào thực sự hiệu quả. Không thể cưỡng ép các CLB ồ ạt sử dụng cầu thủ trẻ bởi yếu tố thành tích, điều đã được chứng minh qua chính sách sử dụng trẻ từng áp dụng tại Trung Quốc. Cũng chẳng thể tìm thêm đất cho cầu thủ trẻ khi số đội dự V.League hay Hạng Nhất vẫn đóng khung ở mức 13-14.

Theo định hướng của VFF và VPF, mở rộng số đội dự Hạng Nhất và V.League là giải pháp cho vấn đề này. Nhưng thực tế cho thấy giữ được số đội hiện tại (14 V.League và 11 ở Hạng Nhất) đã là nhiệm vụ rất khó khăn. Mỗi mùa, giải đều có vài đội dọa bỏ hoặc bỏ giải thật. Thế rồi VFF, VPF lại phải vào cuộc, tìm nhà tài trợ hay du di các quy chế chuyên nghiệp cho đội bóng được tồn tại.

Cứ thế, số đội bóng không tăng, số trận đấu như cũ, chẳng thể đòi hỏi nguồn cung cầu thủ tăng lên khi nhu cầu đã được đóng khung.

tuyen viet nam anh 2

Khoảng 2/3 số đội V.League mùa này chỉ ghi được trên dưới 1 bàn mỗi trận. Ảnh: Bảo Ngọc.

Triết lý V.League và đội tuyển

Ở khía cạnh triết lý, V.League cũng tỏ ra không hòa hợp với đội tuyển.

Bốn bàn trong hai trận với Nhật Bản và Iraq cho thấy những điểm sáng trong lối chơi tấn công có tổ chức của tuyển Việt Nam. Nhưng đó dường như là nỗ lực đơn lẻ của ông Troussier và đội tuyển. Ông thầy người Pháp luôn mất rất nhiều thời gian tập huấn cho U23 và cả đội tuyển.

Có cảm giác, ông Troussier đang muốn tự mình xây dựng một đội tuyển hoàn toàn khác, không dựa trên phong cách hiện tại của V.League. Đó có thể là lý giải cho việc nhiều ngôi sao V.League đang không có chỗ ở tuyển Việt Nam như Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Hoàng Đức hay Hồ Tấn Tài.

Trước vòng 9, V.League 2023/24 có 148 bàn sau 56 trận, trung bình 2,64 bàn/trận. Trong 14 đội dự giải, chỉ 3 đội có hiệu số bàn thắng - bàn bại lớn hơn 5. Một nửa giải đấu có hiệu số âm, nhiều đội khác chỉ dương vài bàn. Thống kê ấy có thể nói lên tính cạnh tranh của V.League mùa này. Nhưng nó cũng nói rằng giải đấu hiện không ủng hộ lối đá tấn công.

6 chân sút dẫn đầu danh sách ghi bàn đều là ngoại binh, đồng nghĩa lối chơi “dựa Tây” vẫn đang là chủ đạo. Trừ một vài CLB đang nỗ lực xây dựng lối chơi tấn công bài bản, đa phần các đội V.League vẫn duy trì chiến lược dồn bóng cho “Tây”. Lối chơi ấy không hướng tới chiến thắng chủ động mà giống như đang chờ đối phương phạm sai lầm.

Các đội bóng vì thế thường mua sắm theo kiểu “mỳ ăn liền”, nghĩa là tập trung ngoại binh cho hai nhiệm vụ trực tiếp: ghi bàn và ngăn đối phương ghi bàn, các cầu thủ ngoại đều được dồn cho vị trí tiền đạo cắm hoặc trung vệ. V.League hiếm khi hướng tới những ngoại binh sáng tạo, tổ chức kiểu Nastja Ceh ở Thanh Hóa ngày trước.

Đáng tiếc bởi đó mới là mẫu cầu thủ có thể nâng tầm đội bóng, xa hơn là nâng tầm giải đấu. Chừng nào chưa tìm được những nguyên liệu phù hợp từ V.League, nâng tầm tuyển Việt Nam vẫn sẽ là thử thách cô độc của ông Troussier.

Tiết lộ về HLV Park Hang-seo

Mục Thể thao giới thiệu tủ sách về HLV Park Hang-seo. Ở đây, độc giả sẽ có cơ hội tìm hiểu những câu chuyện về nhà cầm quân người Hàn Quốc trong thời gian ông cùng bóng đá Việt Nam làm nên lịch sử ở những giải đấu khu vực Đông Nam Á, lẫn châu Á.